-
Khám Phá Nơi Nuôi Loài Cá Song Vua Đặc Sản, Mỗi Con Nặng 30
-
Nơi Duy Nhất Ở Việt Nam Nuôi 100 Con Cá Song Vua Bố Mẹ
-
Thắt Lưng Da Cá Sấu Nguyên Con
-
Cá Sặc Rằn Có Đắc Không? Giá Bao Nhiêu Tiền Một Kg?
-
Khô Cá Sặc Rằn Khánh An
Theo dấu cá lăng xuôi dòng Serepok
Khách trầm trồ khen ngon tận chân răng. Chủ nhà cười tự hào: “Món này quý chứ không hiếm, cá tự nhiên ở sông Serepok nhiều lắm. Người ta còn nuôi cá lăng trong lồng trên sông đầy ra đấy, chú về xã Hòa Phú lân cận Tp. Buôn Ma Thuột sẽ thấy”.
Nhớ lời xưa, có dịp trở lại Tây Nguyên, tôi tìm về Hòa Phú, nơi cầu Serepok nối hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, nhưng đi dọc bờ sông hoang sơ gập ghềnh chẳng thấy bóng lồng cá nào. Cao nguyên đất rộng người thưa, lối mòn hun hút xuyên rẫy cà phê bạt ngàn, lần mò mãi rồi ngỡ ngàng đứng trước thác Dray H’Linh gầm gào cuồn cuộn tung bọt nước. Đây là ngọn thác hùng vĩ nhất của dòng Serepok, mang truyền thuyết mối tình bi thương giữa chàng Dam Yông nghèo khó, siêng năng, dũng cảm và nàng H’Linh xinh đẹp, tóc dài chấm gót mượt mà như dòng suối…
Ngày ấy, dân Bắc vào Tây Nguyên nhiều, phải tự dựng nhà, phát rẫy, lương thực tự túc. Từ nhỏ đã quen bắt cá hồ Đại Lải quê hương, anh Bài đào 4 cái ao quanh nhà, dẫn nước Serepok về, những buổi chài lưới trên sông, cá to đưa vào bếp, cá nhỏ thả xuống ao nuôi cho lớn tiếp. Đến khi Đắk Lắk có cơ sở sản xuất cá giống, anh Bài và nhiều hộ khác ở xã Hòa Phú bắt đầu mở rộng ao, nuôi các loài cá thông thường như trắm, chép, trôi, mè… coi ao cá như một nguồn thu nhập khác, bên cạnh vườn điều, rẫy cà phê, đàn bò.
Cá lăng ngày trước rất nhiều, nhưng không được chuộng mấy, sau này thành đặc sản mới bị săn lùng ráo riết, thưa thớt dần. Năm 2005, anh Hoàng Quốc Bài và anh Trần Văn Kiếm là 2 hộ đầu tiên ở Hòa Phú mua lại của dân chài lưới những con cá lăng dài cỡ 10 – 15 cm, nuôi trong ao nhà cùng một số loài cá khác. Anh Bài kể: “Ban đầu cũng liều thử vậy chứ không biết thế nào, vì cá lăng ưa sông nơi vực sâu, thác ghềnh, dòng chảy xiết, chưa nghe ai nuôi được trong ao nước tĩnh. Không ngờ, cá lăng từ sông về ao vẫn phát triển bình thường, nuôi hơn nửa năm đã đạt 1 kg/con”.
Thành công của hướng chăn nuôi mới đã khiến Trung tâm Khuyến nông Buôn Ma Thuột quyết định hỗ trợ kinh phí và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xây dựng mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ. Nhiều gia đình khác ở thôn 5 xã Hoà Phú cũng học nuôi, sau đó xã đã thành lập CLB cá lăng Hoà Phú. Ông Nguyễn Văn Chi – Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi cá lăng thôn 5 cho hay: Lúc cao điểm, toàn xã có trên 50 hộ nuôi cá lăng đuôi đỏ trong ao.
Anh Hoàng Quốc Bài cùng người em họ là Hoàng Văn Chính và một số hộ khác còn làm lồng bè nuôi cá lăng ngay trên dòng Serepok. Ban đầu khá thành công, cá nuôi trên sông lớn nhanh hơn nuôi trong ao. Giữa năm 2011, nhà máy thuỷ điện Sêrêpôk 4 cũng đã thả nuôi 40.000 con cá lăng đuôi đỏ trong 44 lồng trên lòng hồ thuỷ điện.
Đáng mừng là cả chục năm nuôi cá, vùng này chưa hề có dịch bệnh. Cứ sau 18 tháng nuôi, cá lăng sẽ đạt khoảng 3 kg/con, với giá 250 – 270 ngàn đồng/kg, mỗi năm lãi 60 – 65 triệu đồng/sào. Trong khi nhiều hộ chăn nuôi khác vất vả tìm đầu ra, cá lăng Hòa Phú chưa thu hoạch đã được các quán nhậu đặt hàng, giáp tết là thời điểm cá lăng được giá nhất.
Tôi hỏi anh Bài sao không mua giống cá lăng ở các cơ sở sản xuất nhân tạo? Anh lắc đầu: “Tớ đã thử mua cá bột về nuôi, từ nhỏ đến lúc đạt hơn 1 kg/con thì cá lớn nhanh lắm, nhưng sau đó lớn rất chậm và yếu hơn hẳn cá giống bắt từ sông Serepok. Tớ mua của dân chài lưới 400 ngàn đồng/kg cá lăng nhỏ, lấy nước sông và bắt cá sông về nuôi trong ao vẫn hiệu quả hơn. Nhưng nguồn cá giống tự nhiên ít, khó mở rộng ao nuôi thêm nữa.”
Chuyện hôm qua như nước chảy về… Tây
Ngày trước, đoạn sông Serepok chảy qua xã Hòa Phú rất nhiều cá lăng, nhưng nay đã vắng bóng, thỉnh thoảng mới có người may mắn tóm được cá lăng “khủng”. Bà Lê Thị Hồng Cẩm – chủ nhà hàng Phương Dung tại xã Hòa Phú, kể: “Quán tôi thường đặt hàng ngư dân lấy cá sông, con cá lăng to nhất tôi từng mua được nặng tới 50kg. Trước đó, anh Hạ Hữu Đồng bên xã Ea Pô (huyện Cư Jut, Đắk Nông) bán cho tôi 2 con cá lăng, một con nặng 20kg, một con nặng 18kg. Nhưng thấy nói câu được dưới gần Buôn Đôn, chớ sông trên này từ lâu không còn cá lớn.”
Dọc hai bên bờ dòng sông chảy ngược về phía Tây, thấp thoáng dưới bóng núi um tùm cổ thụ, là những bản Ê Đê, M’Nông với những căn nhà dài đặc trưng. Năm nay 81 tuổi, già làng Nay Kẹo Phả Lào ở Buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) vốn gốc Lào, sang đây lập nghiệp đã hơn sáu chục mùa lá rụng. Ký ức người già bên dòng Serepok là những mùa lũ dâng mấp mé chân cột các nhà sàn gần bến nước. Trên sông, những thân gỗ to hơn người bị lũ dữ cuốn dập dềnh trong xoáy nước ngầu bọt. Thỉnh thoảng, một “khúc gỗ” bỗng dưng quẫy nước bắn tung tóe – đó là những con cá lăng, cá sọc dưa to đùng, nặng đến vài chục kg.
Mùa lũ cũng là mùa săn cá. Người Ê Đê, người M’Nông xuống thuyền độc mộc, chèo vun vút xuôi dòng lũ, dùng cây lao đầu bịt sắt đâm cá giữa dòng, hoặc kiên nhẫn neo thuyền ngồi im như hàng tượng gỗ tạc canh nhà mồ Tây Nguyên, chờ cá nổi lên là phóng cây lao dài gần bằng người vào mình cá.
Cá lăng rất khỏe và càng hung hãn lúc mới trúng thương. Đâm trúng rồi cũng hiếm khi bắt được cá ngay, mà phải để nó vùng vẫy hồi lâu, dính cá lớn thường phải dong thuyền theo cả buổi, đợi cá mệt mới quăng dây móc kéo cá lên thuyền, hoặc dong cá dạt dần vào bờ nếu cá quá to… Tôi ngạc nhiên hỏi: “Cá sông mà lớn vậy sao già?”. Già làng Nay Kẹo Phả Lào cười rung chòm râu cước, thong thả nhồi thuốc vào tẩu: “Mình từng bắt được cá lăng to như con bê. Đâm lao xuyên người nó rồi, nó kéo cả lao lặn mất hút xuống đáy sông. Mình chèo thuyền tìm mãi, đã tưởng mất dấu, thì nó đuối sức nổi lên mặt nước… Ngày xưa con sông nhiều cá, nhiều người cũng bắt được cá to như thế. Mỗi khi được cá lớn, làm lễ tế Giàng, rồi chia phần cá cho tất cả các nhà trong buôn, để mọi người cùng được hưởng lộc Giàng”.
Ngoài cách săn cá bằng lao sắt, đồng bào Ê Đê, M’Nông cũng rất giỏi câu cá lăng. Anh Y Rơi Niê, người M’Nông, chuyên cưỡi voi chở khách du lịch ở Buôn Đôn, là con trai một thợ săn cá lăng có tiếng trong vùng. Anh bồi hồi nhớ lại thuở nhỏ được cha dạy cách bện dây dù thành những sợi dây câu rất dài và to gần bằng ngón tay, tự chế cái lưỡi câu bằng thép to cỡ bàn tay, chuyên để câu cá lăng. Dây ấy lưỡi ấy, cột chắc vào ngọn tầm vông, móc ngang lưỡi câu vào bụng con ếch dùng làm mồi, phải móc cẩn thận để giữ ếch sống, sao cho thả xuống nước ếch vẫn “bơi” được, thì mới mong thành công. Bởi cá lăng là loại săn mồi, khoái thịt tươi chứ không ngó đến loại mồi đã “chuyển mùi, đổi sắc”.
Chuyện cũ đã như dòng nước Serepok mải miết tuôn về phía Tây. Bây giờ, măng le vẫn nhiều, đi hái lá păk cum một buổi là lèn đầy gùi, nhưng bà con chẳng mấy khi còn được ăn cá lăng. Sông vẫn có cá, song phần nhiều rất nhỏ, cá to cũng chỉ cỡ vài kg đã quý lắm. Thảng hoặc, có người bắt được cá lăng đuôi đỏ nặng trên chục kg, thì đó là sự kiện trọng đại. Khoảng chục năm trở lại đây, dân săn cá chuyên nghiệp ngày đêm quần thảo dòng Serepok, bắt cá lăng bằng xung điện, lưới quét, mìn…
Những tấm lưới nhiều lớp như thiên la địa võng, cá nhỏ như đầu đũa cũng không thể thoát. Quãng sông nào khó giăng lưới thì dùng mìn, họ nhồi hỗn hợp nổ vào vỏ lon “bò húc”, ném xuống sát thương cá như lựu đạn. Lúc nào không tiện “gây ồn ào” thì họ “xài” bình điện tăng áp, giật cho cá lớn cá nhỏ ngửa bụng từng đám trên mặt sông, thậm chí dùng thuốc độc. Trước còn vào rừng hái lá độc về chế “thuốc cá”, sau rồi cyanua cũng được mang ra sông để tàn sát cá…
Nhưng cũng lạ, các phương tiện “hiện đại” ấy thường chỉ bắt được cá nhỏ, còn những con cá lăng “khủng” cuối cùng của dòng Serepok vẫn lượn lờ dưới sâu, chỉ “chịu trói” trước những ngư dân tài ba, giăng câu theo kiểu truyền thống, vì không muốn “mang tội” với dòng sông.
Với người Tây Nguyên, Serepok là sông thiêng, hàng năm bà con đều tổ chức Lễ cúng bến nước (còn gọi là Tết Giọt nước, Tết Bến nước) sau khi thu hoạch vụ mùa. Giữa tiếng chiêng vang vọng đại ngàn, các già làng thành kính cầu khấn: “Ơi suối nhỏ suối to, núi lớn núi bé. Mời ông bà, tổ tiên, mời các Thần Núi, Thần Sông về dự lễ cùng cháu con. Cầu xin Thần Nước cho nước luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch. Xin cho mưa thuận gió hòa, cho tai ương dịch bệnh tránh xa làng buôn để cháu con được khỏe mạnh an lành”…
Theo cô chủ quán vui chuyện, đoạn sông có nhiều phiến đá trồi lên mặt nước gần khu du lịch Bản Đôn, là khu vực từng có nhiều cá lăng đuôi đỏ cỡ lớn dính câu thợ săn. Men bờ con sông lớn nhất Đắk Lắk, tôi cứ xuôi theo dòng chảy tìm người săn cá lăng. Dưới nắng Tây Nguyên chói chang, chỉ có đôi chiếc thuyền độc mộc nhẫn nại buông lưới và mấy tay câu tài tử với cái cần tre buông câu hú họa ven bờ.
Hỏi đại một tay trẻ tuổi: “Giật được cá lăng không?”, cậu ta cười khanh khách: “Không có đâu anh, giống đó giờ hiếm lắm, mà nếu có thì cũng phải dùng cần máy mới trị được cá lăng, phải có dây đủ dài dong nó chạy mệt nghỉ. Cá lăng dính câu thường quẫy mạnh và phóng khỏe lắm, nếu không khéo lừa đợi nó mệt thì khó lòng lôi lên được”.
Cậu ta kể tiếp, mấy năm trước dân săn cá lăng đổ về vùng này khá nhiều. Họ dùng xuồng con làm bằng tôn nhẹ, có thể cuốn gọn buộc sau xe máy, mang theo lương ăn, nồi niêu và thùng đựng cá, cả bình oxy để giữ cá sống mới bán được giá… Có người đi lẻ, có nhóm đi chung, cứ lần mò xuyên rừng dọc bờ sông Serepok, lang thang như dân du mục qua các huyện Ea Kar, Krông Bông, Krông Ana, Buôn Đôn, cả tháng mới đảo qua nhà.
Cá lăng thích săn mồi dưới những khúc sông cuộn sóng do ghềnh thác, sóng càng dữ thì càng hay có cá to, nên thợ săn cũng phải mạo hiểm chèo thuyền ra những đoạn nước chảy mạnh giữa ghềnh đá để thả câu. Mồi câu lá lăng thường là ếch nhái hoặc cá nhỏ, đôi khi người ta dùng cả lòng heo hoặc sâu đất làm mồi. Cuối buổi chiều, chèo thuyền ra sông thả vài chục dây câu rồi vào mé sông dựng trại, đến 2 – 3 giờ sáng hôm sau lại lọ mọ chèo thuyền đi kiểm tra câu. Chim trời cá nước, dây câu nhẹ bẫng chẳng phải chuyện lạ. Nếu được cá, phải luồn rừng vượt núi thật nhanh, mang cá ra quốc lộ để gửi xe đò về cho mối quen trước khi cá chết…
Vòng lại Khu du lịch Bản Đôn, với 300.000 đồng và 1 bó mía cho voi ăn, tôi được anh Y Rơi Niê đồng ý tách khỏi lộ trình dành cho du khách ven bờ sông. Ngồi lên lưng voi, chúng tôi dò dẫm từng bước theo ghềnh đá băng ngang dòng sang tuốt bờ bên kia sông Serepok, xuyên vào rừng đặc dụng Yok Đôn. Sục sạo hồi lâu dọc bờ vắng, cây rừng chằng chịt sà vào bành voi quất đến rát mặt, tịnh không thấy bóng người.
Y Rơi bảo, cá lăng hiếm dần nên thợ săn ít lai vãng, phải tìm khúc sông khác hoặc có người giải nghệ rồi cũng nên. Chỉ còn ít người bản địa, nhà ven sông, đêm đêm thả câu, thi thoảng mới dính cá lăng lớn. Tôi nhớ hôm ở xã Hòa Phú, anh Hoàng Văn Chính cũng nói, dù biết chèo thuyền quăng lưới từ nhỏ, nhưng bây giờ lắm bận mấy ngày liền xuôi dòng nước về Buôn Đôn, hay ngược dòng lên Buôn Trấp (huyện Krông Ana), cũng không bắt được cá lăng… nên đành “yên trí” với nghiệp nuôi cá trong ao.
Nếu vậy cũng mừng, vì những con cá còn lại may ra thêm cơ hội sống sót. Chưa kể, săn cá lăng thường xuyên phải liều mạng đối mặt với lũ rừng, chèo con thuyền mong manh qua trập trùng xoáy nước, phải vừa khéo vừa nhanh và quyết đoán mới luồn lách được qua các khe đá mà không bị nhấn chìm…
Xuống voi, tôi tha thẩn ra bến Tha Luống, cách Khu du lịch Bản Đôn một quãng. Theo tiếng Lào nghĩa là bến vua, tên gọi hình thành do hồi còn tại vị, vua Bảo Đại mỗi lần lên chơi Tây Nguyên, sau buổi săn bắn thường ra bến nước này ngồi thư giãn, câu cá và tắm cho voi. Chẳng hiểu ông vua đào hoa ấy có câu được con cá lăng đuôi đỏ nào?…
Khác với tuyệt đại đa số sông ở Việt Nam đổ về biển Đông, dòng Serepok làm một cuộc dạo chơi ngang tàng, xuôi thác vượt ghềnh tuôn nước về phía mặt trời lặn, vòng vèo thêm 280 km trên đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mê Kông để trở về cố hương trong dòng Cửu Long xanh biếc. Anh Y Rơi bảo, những con cá lăng “khủng” thỉnh thoảng vẫn sa lưới ngư dân trên sông Tiền, sông Hậu, có thể được sinh ra dưới những thác ghềnh hùng vĩ của Tây Nguyên.
--- Bài cũ hơn ---
-
Khám Phá Địa Điểm Câu Cá Hồ Sông Mây
-
Lẩu Cá Song Là Gì? Cách Chế Biến? Bạn Đã Thử Qua Chưa?
-
Bí Quyết Nấu Lẩu Cá Song Ngon
-
Giá Trị Cá Nhân Của Bạn Là Gì? Làm Thế Nào Để Xác Định & Sử Dụng Nó Để Phục Vụ Cuộc Sống Của Bạn
-
Rượu Vodka Men’s Giá Bao Nhiêu? Hộp Quà Rượu Vodka